Với khả năng Trump trở lại Nhà Trắng ngày một lớn, các thành viên NATO ở châu Âu chạy đua tăng ngân sách quốc phòng và năng lực quân sự.
Tại cuộc vận động tranh cử ở Las Vegas ngày 27/1, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích các đồng minh châu Âu không chi đủ cho ngân sách quốc phòng.
"Chúng ta đang trả tiền cho NATO song không nhận được nhiều điều. Nếu chúng ta cần sự giúp đỡ của họ, giả sử trong trường hợp bị tấn công, tôi không tin họ sẽ có mặt", ông Trump nói về các đồng minh châu Âu trong liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương.
Đây không phải lần đầu tiên ông Trump phàn nàn về mức ngân sách quốc phòng thấp của các thành viên châu Âu trong NATO. Khi còn đương nhiệm, ông thường xuyên cho rằng Mỹ phải chịu gánh nặng nhiều hơn các nước thành viên khác.
Cựu tổng thống Trump đang dẫn đầu đường đua tranh đề cử của đảng Cộng hòa và nhiều khả năng đối đầu với Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ vào tháng 11. Ông Trump hiện nhận được ủng hộ nhỉnh hơn ông Biden trong các cuộc đối đầu giả định.
Điều này khiến viễn cảnh ông Trump trở lại Nhà Trắng ngày một lớn hơn. Nhiều nguồn tin thân cận với các chính phủ châu Âu cho biết những cuộc thảo luận về cách chuẩn bị và ứng phó với thay đổi trong chính quyền Mỹ đã được đưa ra. Không ít người lo ngại nếu tái đắc cử năm nay, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump có thể rút Washington khỏi liên minh quân sự.
Trong nhiệm kỳ đầu ở Nhà Trắng, ông Trump nêu ý tưởng yêu cầu châu Âu "hoàn trả chi phí bảo vệ" của Mỹ và kêu gọi người châu Âu hành động nhiều hơn để bảo vệ an ninh của chính họ, trong đó có cắt giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga. Trang web tái tranh cử của ông Trump năm nay bày tỏ ủng hộ "đánh giá lại về mục đích và sứ mệnh của NATO".
Cựu tổng thống Donald Trump tại sự kiện vận động ở Atkinson, bang New Hampshire ngày 16/1. Ảnh: AP
Phần lớn người châu Âu đã hoan nghênh chiến thắng của Tổng thống Mỹ Joe Biden cách đây hơn 3 năm vì ông giữ quan điểm coi trọng các liên minh, tổ chức quốc tế. Song hiện tại, họ đang gấp rút chuẩn bị cho viễn cảnh về nhiệm kỳ mới của ông Trump. Các chính phủ châu Âu đang liên hệ với giới chính trị và kinh doanh ở Washington và trên khắp nước Mỹ để tìm hiểu xem ai có thể tham gia chính quyền của Trump trong trường hợp ông tái đắc cử.
"Tôi đã làm việc với ông ấy 4 năm. Tôi đã lắng nghe cẩn thận những lời chỉ trích và chúng chủ yếu về việc đồng minh đang chi quá ít cho NATO", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói.
Lãnh đạo NATO cho biết ngày càng nhiều thành viên liên minh đang tăng phần đóng góp của họ. "Do đó thông điệp từ Mỹ rằng các đồng minh châu Âu phải tăng cường đóng góp đã được thấu hiểu và đang đi đúng hướng", ông Stoltenberg nói.
Năm 2023, 9 trong số 29 thành viên châu Âu của NATO đáp ứng mục tiêu của liên minh là chi 2% GDP cho quốc phòng. Năm 2014, thời điểm NATO đặt ra mục tiêu này, chỉ có 2 nước hoàn thành. Khoảng một nửa số thành viên châu Âu dự kiến đạt mục tiêu 2% trong năm nay.
Tổng thống Andrzej Duda của Ba Lan, quốc gia đã chi gần 4% GDP cho quốc phòng, nói rằng những bình luận của ông Trump có lý. "Các nước láng giềng giàu có của Ba Lan muốn người đóng thuế ở Mỹ trả tiền cho sự an toàn của họ. Với tư cách là tổng thống, tôi cũng sẽ đưa ra những bình luận tương tự", ông Duda nói.
Tổng thư ký Stoltenberg ngày 23/1 công bố hợp đồng đa quốc gia trị giá 1,2 tỷ USD để bổ sung vào kho quân sự 200.000 quả đạn pháo cỡ 155 mm, loại được cung cấp nhiều cho Ukraine trong năm qua. Đạn pháo sẽ được sản xuất tại Pháp và Đức, sau đó bán cho Tây Ban Nha, Bỉ và Litva.
Ủy viên phụ trách công nghiệp của Liên minh châu Âu (EU) Thierry Breton ngày 29/1 cho biết việc tăng sản xuất đạn pháo cũng sẽ giúp khối sớm đáp ứng khả năng cung cấp cho Ukraine một triệu quả mỗi năm.
Một bước đi tiềm năng của châu Âu là ủng hộ Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte làm người kế nhiệm Stoltenberg khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào tháng 9. Rutte, trong những lãnh đạo quốc gia tại vị lâu nhất ở châu Âu, từng đưa ra những bình luận rất thẳng thắn với ông Trump, điều mà ít chính trị gia nước ngoài sẵn sàng làm.
Tuy nhiên, Thủ tướng Mark Rutte gần đây nói rằng ông Trump "hoàn toàn đúng khi thúc giục chúng ta thực hiện cam kết 2%". Bộ Quốc phòng Hà Lan cho biết chi tiêu quân sự nước này sẽ đạt 2% GDP trong năm nay. Theo NATO, năm ngoái con số này là 1,7% GDP.
Phiên họp của hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, Tây Ban Nha, hồi tháng 6/2022. Ảnh: AFP
Các lãnh đạo châu Âu quan tâm nhiều về cuộc bầu cử ở Mỹ không chỉ vì ông Trump hiện là ứng cử viên hàng đầu, mà còn vì đảng Cộng hòa đang chặn viện trợ của Mỹ cho Ukraine. Việc viện trợ của Mỹ bị đình trệ đã gây áp lực để EU phê duyệt gói hỗ trợ 54 tỷ USD cho Kiev, vốn bị Hungary phản đối.
Giới chính trị gia châu Âu hiểu rằng lập trường không muốn Mỹ lún sâu vào xung đột Nga - Ukraine và châu Âu cần tăng khả năng tự vệ của ông Trump được một số nhà lập pháp Mỹ quyền lực và có tầm ảnh hưởng ủng hộ. Điều này khiến viễn cảnh ông Trump trở lại đáng lo ngại hơn.
Ủy viên Breton đầu tháng trước tiết lộ khi còn là tổng thống Mỹ, ông Trump từng nói với người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen rằng Mỹ sẽ không giúp châu Âu nếu nước này bị tấn công. "Bà cần hiểu rằng nếu châu Âu bị tấn công, chúng tôi sẽ không bao giờ giúp đỡ và ủng hộ. NATO đã chết", ông Trump nói tại Thụy Sĩ, theo lời kể của Breton.
Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton hồi tháng 8 năm ngoái cũng cảnh báo Mỹ sẽ rời NATO nếu ông Trump đắc cử năm nay.
Đầu tháng trước, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cảnh báo Nghị viện châu Âu rằng sự trở lại của ông Trump có thể khiến châu Âu phải "tự đứng trên đôi chân của mình". Song ông cho rằng châu Âu không nên lo sợ mà hãy "chấp nhận điều đó bằng cách tự xây dựng nền tảng vững chắc, mạnh mẽ và có chủ quyền hơn".
Tuy nhiên, nhiều quan chức NATO không quá lo ngại về kịch bản ông Trump tái đắc cử. "Tôi tin rằng Mỹ sẽ tiếp tục là đồng minh trung thành của NATO bất kể kết quả cuộc bầu cử sắp tới như thế nào, bởi vì điều đó có lợi cho Washington", ông Stoltenberg nói ngày 31/1.
Đại sứ Mỹ tại NATO Julianne Smith tháng trước cũng trấn an rằng người châu Âu có thể yên tâm rằng sự ủng hộ của Washington với liên minh quân sự sẽ tiếp tục bất kể Nhà Trắng đổi chủ. "Chúng tôi nhận thấy sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho NATO ở cả phe cánh tả, cánh hữu và trung lập ở Mỹ", bà nói.
Thụy Điển, quốc gia hy vọng gia nhập NATO trong năm nay và đã chi hơn 2% GDP cho quốc phòng, đang kêu gọi các đồng minh trong EU liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ.
"Nếu EU muốn Mỹ tiếp tục quan tâm đến những gì đang diễn ra ở châu Âu và Ukraine, chúng tôi phải thể hiện sự quan tâm tương tự đối với những gì Mỹ xem là quan trọng", Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom nói. "Tôi luôn khuyến khích các đồng nghiệp của mình làm điều tương tự".